Đối với một người đàn ông, chiếc đồng hồ có lẽ không chỉ là một dụng cụ chỉ thời gian. Chiếc đồng hồ còn đóng vai trò một món phụ kiện quan trọng trong việc hình thành phong cách của mỗi người, cùng với đó những chiếc đồng hồ đeo tay nhỏ bé còn có thể được tích hợp rất nhiều tính năng khác nhau, từ đơn giản cho tới phức tạp. Có những tính năng tưởng chừng đơn giản nhưng để thực hiện thì lại không dễ dàng một chút nào, và trong bài viết này tôi xin được nói qua về những tính năng thường thấy ở một chiếc đồng hồ đeo tay, cách sử dụng và mục đích của tính năng đó. Trong bài viết tôi xin được phép sử dụng từ gốc tiếng Anh có kèm chú thích, cách này sẽ giúp các bạn dễ tìm kiếm thêm thông tin nếu muốn tìm hiểu thêm. Và có lẽ sau bài viết này, khi đọc tên một chiếc đồng hồ có lẽ bạn sẽ hiểu được một phần các tính năng cơ bản của chiếc đồng hồ đó.
NHỮNG TÍNH NĂNG PHỔ BIẾN NHẤT
Date Display (Hiển thị ngày)
Có lẽ là một tính năng phụ cơ bản nhất của chiếc đồng hồ, nhưng nó đồng thời lại là chức năng thiết thực nhất. Phần hiển thị ngày thường sẽ được thấy trình bày theo 3 kiểu khác nhau, phổ biến nhất có lẽ là một cửa sổ hiển thị ở vị trí 3 giờ. Thông thường nó sẽ có định dạng 2 chữ số chạy từ 0-3 và 0-9 để hiển thị tất cả số ngày trong một tháng. Trong một số trường hợp, những số này sẽ có màu đen và đỏ xen kẽ nhau, cách thiết kế kiểu này gọi là thiết kế “casino”.
Cách hiển thị ngày phổ biến thứ hai đó là “Big Date”, giống như tên gọi, Big Date có phần hiển thị ngày to hơn hẳn và giúp người dùng có thể dễ dàng biết ngày khi liếc qua chiếc đồng hồ. Phần lớn Big Date sẽ được đặt ở vị trí 3 giờ nhưng cũng có một số trường hợp được đặt ở vị trí 12 giờ, tùy vào thiết kế của bộ máy.
Cách hiển thị thứ ba là “Date Wheel”, sẽ có một chiếc kim cùng trục với kim giờ và kim phút có nhiệm vụ chỉ ngày, chiếc kim này thường có đầu hình mũi tên hoặc trăng lưỡi liềm. Cách thiết kế này không hay được nhìn thấy lắm nhưng cũng được một số chiếc đồng hồ sử dụng, mới đây là chiếc “The Harmony Complete Calendar” của Vacheron Constantin.
Tất nhiên với công nghệ chế tác ngày càng phát triển, cùng với đó là rất nhiều người thợ đồng hồ tài năng trên khắp thế giới nên sẽ có rất nhiều cách thiết kế cửa sổ hiển thị ngày, nhưng 3 cách trên là những cách phổ thông nhất mà bạn có thể nhìn thấy ở những chiếc đồng hồ.
Day Date (Hiển thị Thứ – Ngày)
Đây là một phiên bản cao cấp hơn của chức năng hiển thị ngày, sẽ có một mục hiển thị Thứ trong tuần thêm vào phần hiển thị ngày. Có 2 phiên bản Day Date thường được sử dụng nhất hiện nay, thứ nhất là Day Date cơ bản với phần hiển thị thứ ở góc 12 giờ và phần hiển thị ngày ở vị trí 3 giờ.
Cách thứ hai là thiết kế khung hiển thị thứ, ngày ở sát cạnh nhau, ở cách này thì thứ trong tuần thường được viết tắt bằng tiếng anh (Thứ hai là Mon thay vì Monday, thứ ba là Tue,…)
Triple Calendar
Chúng ta có thể hiểu đơn giản tính năng Triple Calendar là sẽ có thêm phần hiển thị tháng ở trên chiếc đồng hồ. Theo ý tôi thì chức năng này khá là vô dụng, liệu có mấy người không nhớ được bây giờ là tháng mấy? (Tất nhiên là trừ trường hợp ai đó bị hôn mê sâu.)
Annual Calendar (Lịch thường niên)
Lại một tính năng có vẻ thừa thãi nữa, một chiếc đồng hồ Annual Calendar sẽ có phần hiển thị Thứ – Ngày – Tháng và thêm phần hiển thị năm nữa. Khi sử dụng đồng hồ Annual Calendar bạn nên nhớ phải chỉnh lại đồng hồ mỗi năm một lần vào đầu tháng 3 vì chiếc đồng hồ sẽ nhảy đến tận 31/2 sau đó mới chuyển sang ngày 1/3.
Perpetual Calendar (Lịch vạn niên)
Perpetual Calendar khác với Annual Calendar ở chỗ bạn không phải chỉnh lại lịch mỗi năm một lần nữa. Nghe thì có vẻ khác biệt không nhiều nhưng thực chất Perpetual Calendar là một thành tựu lớn trong lĩnh vực chế tác đồng hồ và những chiếc đồng hồ có tính năng Perpetual Calendar thường đều là những kiệt tác. Mặc dù được quảng cáo là bạn không cần phải chỉnh lại đồng hồ nhưng thực chất là vào năm 2100 bạn sẽ phải chỉnh lại vì năm 2100 không phải là năm nhuận. Nếu bạn sở hữu một chiếc đồng hồ Perpetual Calendar thì nhớ chỉnh lại đồng hồ vào năm 2100 nhé!
Chronograph
Tính năng Chronograph là một tính năng phổ biến nhất ở một chiếc đồng hồ, rất nhiều bạn trẻ đều muốn sở hữu một chiếc Chronograph vì chúng trông rất tinh xảo với nhiều mặt đồng hồ phụ. Và theo một cuộc khảo sát thì phần lớn mọi người không hiểu được mục đích của tính năng Chronograph là gì, không biết cách sử dụng và thậm chí là chẳng thử dùng bao giờ.
Để định nghĩa Chronograph, chúng ta có thể gọi đơn giản nó là một chiếc đồng hồ bấm giờ. Mục đích của các thợ đồng hồ khi thiết kế tính năng này là tính giờ ở các cuộc đua và chúng vẫn được dùng với mục đích đó cho đến ngày nay.
Tất nhiên là Chronograph còn được dùng với nhiều mục đích khác ngoài việc tính giờ đua xe. Vào ngày 15/4/1970, 56 phút sau khi phóng chiếc tàu Apollo 13 vào bầu khí quyển, trên tàu xảy ra một vụ nổ làm ngưng hoàn toàn hoạt động của máy tính trên tàu. NASA lúc đó tin chắc rằng ba phi hành gia trên tàu sẽ thiệt mạng vì không tính được thời điểm hạ cánh của Apollo 13. Nhưng một điều thần kỳ đã xảy ra, 2 ngày sau Apollo 13 đã trở về Trái Đất an toàn, tất cả là nhờ các phi hành gia đã sử dụng tính năng Chronograph trên chiếc đồng hồ Omega Speedmaster để tính toán thời gian hạ cánh và điều khiển bằng tay.
Có 3 loại Chronograph cơ bản được sử dụng ngày nay, tất nhiên là cũng có rất nhiều biến thể được xuất hiện trên thị trường:
Loại đầu tiên là Mono-pusher, đơn giản có thể hiểu là một nút bấm. Loại này sử dụng một nút duy nhất để bắt đầu tính năng Chronograph cũng như dừng lại và quay trở về mốc 0. Loại này có một điểm dở hơn các loại khác là nó không tính được nhiều khoảng thời gian ngắt quãng.
Loại thứ hai được gọi là Fly-back, nó có 2 nút bấm – một nút để bắt đầu và một nút để kết thúc đồng thời quay về mốc 0. Nó được tạo ra với mục đích phục vụ những phi công muốn tính khoảng cách chính xác khi bay trên trời, tất nhiên lúc đó vẫn chưa có GPS hay các thiết bị định vị hiện đại như bây giờ – phi công chỉ có thể dựa vào tốc độ và thời gian để có thể tính được khoảng cách bay.
Loại thứ ba có tên là Split-second, đặc điểm để nhận dạng loại này là nó có ít nhất 3 nút bấm và 2 mặt Chronograph, Split-second Chronograph có khả năng bấm giờ cho 2 quãng thời gian hoàn toàn độc lập với nhau, nó thường dùng để tính giờ cho 2 vật thể riêng biệt. Khi một kim Chronograph quay, kim kia vẫn có thể đứng nguyên hoặc chỉnh quay về mức 0.
CÁC TÍNH NĂNG PHỤC VỤ VIỆC DI CHUYỂN ĐA QUỐC GIA
Những tính năng này có lẽ rất thiết thực với những thương gia thường xuyên phải di chuyển giữa 2 quốc gia bị lệch múi giờ. Hay đơn giản hơn là bạn là một người con đi du học xa nhà, muốn biết thời gian ở quê nhà để gọi điện hỏi thăm gia đình.
Dual-time
Tính năng này cho phép người dùng có thể nhìn thời gian ở 2 múi giờ khác biệt, cả 2 mặt đồng hồ này đều hoạt động trên cùng một bộ máy.
Dual Movement
Nhiều người xếp Dual Movement là một tính năng, nhưng theo ý của tôi thì không hẳn như vậy. Dual Movement đơn giản là 2 bộ máy cùng đặt vào trong một chiếc đồng hồ, mỗi bộ máy đều hoạt động độc lập nên có thể hiểu chiếc đồng hồ này là 2 trong 1.
WorldTimer hay World Timezone
World Timer có chức năng đúng như cái tên của nó, nó sẽ cho bạn biết giờ của tất cả các thành phố lớn trên thế giới. Thông thường nó sẽ có một vòng bezel có tên của các thành phố lớn, việc của bạn là quay vòng bezel sao cho thành phố của bạn ở đúng vị trí của kim giờ, và bạn sẽ đọc được giờ của các thành phố khác ở vòng 24 giờ trên mặt đồng hồ. Nếu bạn vẫn chưa hiểu thì có thể xem Video dưới đây cho thêm phần trực quan.
NHỮNG TÍNH NĂNG KHÁC
Tourbillon
Vâng, nói đến Tourbillon là nói đến những chiếc đồng hồ có giá lên tới hàng trăm ngàn USD. Mục đích chính của Tourbillon là làm tăng độ chính xác cho máy cơ, Tourbillon có thể hiểu đơn giản là một giá đỡ lưu động dùng để chứa quả lắc, lò xo tóc và bộ thoát trong khi quay tròn trên chính trục của nó. Theo lý thuyết, chuyển động quay tròn của Tourbillon sẽ làm triệt tiêu bớt trọng lực của trái đất, giúp con lắc đồng hồ hoạt động chính xác hơn. Những chiếc đồng hồ Tourbillon đều có một vẻ đẹp tinh xảo và là biểu tượng cho sự xa xỉ trong giới đồng hồ, nhưng có một điều thú vị là không hề có một bằng chứng chính xác nào cho thấy Tourbillon làm tăng độ chính xác của một chiếc đồng hồ cơ.
Minute Repeater
Minute Repeater là một tính năng cho phép đồng hồ phát ra tiếng chuông theo thời gian khi gạt cần gạt ở vỏ đồng hồ. Tính năng này hiện nay chỉ có tác dụng làm tăng giá trị của chiếc đồng hồ, cũng như là mục tiêu săn lùng của các nhà sưu tập.
Moonphase (Lịch mặt trăng)
Tính năng này đơn giản sẽ cho bạn biết khi nào trăng khuyết hay trăng tròn, mục đích đầu tiên của nó là dành cho những thủy thủ để họ có thể tính toán thủy triều. Ngày nay, mặc dù với độ chính xác cực cao nhưng Moonphase có lẽ cũng chỉ giống như Minute Repeater, làm tăng thêm giá trị và vẻ đẹp của chiếc đồng hồ.
Alarm (Báo thức)
Có lẽ tôi không cần nói nhiều nhỉ
Power Reserve Indicator
Chờ mãi mới thấy một tính năng thực sự hữu dụng, Power Reserve Indicator là một tính năng trong đồng hồ lên dây cót bằng tay. Nó hiển thị thời gian hoạt động còn lại của chiếc đồng hồ nhờ tính toán độ căng của dây cót. Thông thường tính năng này sẽ hiển thị số giờ còn lại, nhưng với một số chiếc đồng hồ thì nó sẽ hiển thị số ngày.
Tất nhiên những tính năng ở trên không phải là tất cả những gì một chiếc đồng hồ có thể làm được, tôi sẽ cố gắng tìm hiểu thêm và cho ra những bài viết chi tiết hơn về một số tính năng quan trọng và phổ biến. Mong rằng bài viết này sẽ cung cấp một số thông tin bổ ích cho các bạn, giúp các bạn có thể hiểu rõ hơn về những tác phẩm nghệ thuật nhỏ bé nhưng chứa đầy tâm huyết của người nghệ nhân.