Có độ chống nước cao sẽ là đồng hồ lặn ???

Đó chỉ là 1 đặc điểm của 1 chiếc diver mà thôi, 1 đồng hồ lặn phải có những đặc điểm nào?

Đồng hồ lặn cần có khả năng chống nước ra sao?
Câu hỏi này có khá nhiều câu trả lời. Nhiều hãng đồng hồ khẳng định rằng chiếc đồng hồ phải có khả năng chống nước 300m mới có thể phù hợp để đi lặn, nhiều hãng khác lại bảo chỉ cần 200m là đủ rồi. Tuy nhiên, chúng ta sẽ xét theo chuẩn ISO: chiếc đồng hồ lặn phải có khả năng chống nước ở độ sâu 100m.
Thực tế, con người không thể lặn xuống những độ sâu đó. Với mục đích giải trí đơn thuần, một người chỉ có thể lặn xuống độ sâu tối đa 40m. Để vượt qua mức đó, người thợ lặn phải được đào tạo bài bản, sử dụng bình dưỡng khí và những trang thiết bị đặc biệt.
Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại. Điều kiện thực tế sẽ khác xa so với điều kiện phòng thí nghiệm. Khi được thử nghiệm khả năng chống nước, chiếc đồng hồ luôn trong tình trạng hoàn hảo: gioăng cao su mới, đồng hồ được đặt đứng yên và bộ vỏ thì mới được lắp. Do đó, để trừ hao thì khả năng chống nước tiêu chuẩn phải cao hơn nhiều so với nhu cầu sử dụng ngoài thực tế.

Những đặc điểm dễ nhận ra của 1 chiếc đồng hồ lặn

  • Mặt đáy được vặn chặt, tăng khả năng chống nước.
  • Núm chỉnh giờ được thiết kế dạng xoắn cổ chai, thay vì chỉ cần rút ra để chỉnh giờ.
  • Gioăng cao su dùng để đệm giữa các lớp vỏ, ở núm chỉnh giờ giúp nước không thể lọt vào bộ máy.
  • Mặt kính và bộ vỏ được thiết kế dày hơn so với những chiếc đồng hồ thông thường.

Còn những tiêu chuẩn khác của đồng hồ lặn?
Phần lớn đồng hồ lặn sẽ có vành bezel xoay, được phủ chất phát quang để tính giờ khi lặn dưới nước. Bộ kim và cọc số tất nhiên cũng được phủ chất phát quang để người dùng có thể dễ dàng quan sát. Theo chuẩn ISO 6425, đồng hồ lặn phải có “một thiết bị tính thời gian” (vành bezel xoay) và mặt số phải hiển thị rõ ràng ở khoảng cách ít nhất là 25cm.
Cũng theo chuẩn ISO, chiếc đồng hồ lặn phải có một chỉ thị cho người dùng biết rằng chiếc đồng hồ này vẫn đang hoạt động. Việc thực hiện tiêu chuẩn này khá dễ dàng: các hãng đồng hồ chỉ cần lắp thêm kim giây và phủ lên đó chất phát quang là được.
Một số đặc điểm không được liệt kê trong tiêu chuẩn ISO, nhưng nhiều đồng hồ lặn hiện đại sở hữu như: dây phải là dây thép hoặc dây cao su; bộ khóa cũng được trang bị thêm cơ chế giúp tăng độ dài dây từ 0.5-2cm, giúp chiếc đồng hồ có thể đeo bên ngoài bộ đồ lặn; một số đồng hồ khác còn có van thoát khí Heli và chức năng hiển thị độ sâu.
van Heli – van 1 chiều giúp khí Heli có thể thoát ra dễ dàng

Tại sao vành bezel xoay của đồng hồ lặn thường chỉ xoay được một chiều?
Phần lớn vành bezel xoay chỉ xoay được ngược chiều kim đồng hồ, điều này giúp đảm bảo an toàn cho người thợ lặn. Nếu xảy ra va chạm vô tình làm cho vành bezel xoay, mốc thời gian phải quay trở lại mặt nước sẽ chỉ sớm hơn – tránh được trường hợp người thợ lặn nổi lên quá muộn, dẫn tới việc thiếu dưỡng khí và gặp nguy hiểm.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *